Chủ Nhật, 23 tháng 12, 2012

Mệnh lệnh từ trái tim


Bao ngày lênh đênh trên biển lạnh, nhiều ngư dân, chiến sĩ hải quân bất ngờ mang bệnh đã may mắn nhận được sự chăm sóc, chữa trị kịp thời từ các bác sĩ quân y. Giữa biển cả bao la, các bác sĩ trở thành ân nhân, điểm tựa giúp họ yên tâm, kiên cường bám biển.

Thượng tá - Thầy thuốc ưu tú Trần Xuân Vinh trong một chuyến phát thuốc cho đồng bào dân tộc tại xã Lăng, huyện Tây Giang, Quảng Nam.
Thượng tá – Thầy thuốc ưu tú Trần Xuân Vinh trong một chuyến phát thuốc cho đồng bào dân tộc tại xã Lăng, huyện Tây Giang, Quảng Nam.

Lâm bệnh giữa trùng khơi

Làm chủ hai tàu cá QNg 92351 TS và QNg 92352 TS với hàng chục lao động biển, nhưng ông Cao Minh vẫn lắc đầu bảo chưa từng học qua khóa đào tạo về xử lý các tai nạn trên biển. Bao năm cưỡi sóng ra biển mưu sinh, ông và các thuyền viên của mình thường xuyên đối mặt với những căn bệnh như táo bón, đau bụng, đỏ mắt hay đứt tay, đứt chân khi hành nghề. Ông kể, một tối giữa tháng 7 năm nay, tàu đang đánh bắt ở vùng đảo Đá Lồi (quần đảo Hoàng Sa) thì một thuyền viên tên Tâm có dấu hiệu nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, co giật mạnh. Qua máy bộ đàm, ông biết có tàu hải quân đang làm nhiệm vụ cách đó không xa. Ông Minh nhanh chóng phát tín hiệu cầu cứu. Nhiều phút trôi qua trong sự lo lắng. Cuối cùng, Tâm được các bác sĩ quân y khám và kết luận do cao huyết áp đột ngột. Sau vài giờ được bác sĩ chăm sóc, đút từng muỗng nước ngọt, thìa cháo nóng, anh Tâm đã bình phục và quay lại tàu cá tiếp tục làm việc.

Có không ít trường hợp, người đi biển đã tử vong khi không được chữa trị kịp thời. Ông Nguyễn Văn Còn, chủ tàu ĐNa 90039TS nhắc lại sự cố đáng buồn mà tàu ông gặp phải. Đó là khoảng tháng 8-2011, khi thuyền viên Lê Sơn (phường Thanh Khê Đông) cùng tham gia đánh bắt tại tọa độ 18 độ vĩ Bắc, 114 độ kinh Đông bỗng nhiên bị đau bụng dữ dội kèm triệu chứng co giật và thổ huyết. Dù đã gọi điện báo cho BCH Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng và Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn hàng hải Khu vực 2 yêu cầu giúp đỡ, nhưng do bệnh nặng, ngư dân này đã tử vong khi con tàu đang trên đường chạy về đất liền.

Xa đất liền, nên khi gặp sự cố về sức khỏe là điều khiến mọi người lo lắng nhất. Người đi biển lại kiêng kỵ việc mang thuốc men lên tàu nên không phải con tàu nào ra khơi cũng trang bị vật dụng y tế, phao cứu sinh để lo cho sức khỏe và tính mạng của thuyền viên. Việc chẩn đoán bệnh vì thế cũng khó chính xác. Dùng thuốc nào cho phù hợp, phụ thuộc rất nhiều vào "bản lĩnh" người thầy thuốc. Không thể dùng bừa, nhưng đôi lúc, rất cần sự linh hoạt khi xử lý tình huống. Thượng úy-Y sĩ Nguyễn Duy Ánh, Lữ đoàn 161 đơn cử: "Đối với trường hợp đau bụng rất khó chẩn đoán vì bệnh nhân có thể đau ruột thừa, thủng bụng hoặc chảy máu dạ dày. Những trường hợp này nếu dùng thuốc giảm đau sẽ không có tác dụng chữa bệnh, đôi khi còn nguy hiểm đến tính mạng".

Không chỉ là trách nhiệm

Từ năm 2006 đến nay, Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân đã điều động các tổ quân y thường xuyên tham gia làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, phòng chống bão lụt và dịch bệnh cho ngư dân. Họ có mặt trên các con tàu HQ 628, HQ 629, HQ 951, HQ 972, VH 714, VH 715 đi ứng cứu 73 tàu cá, 5 tàu vận tải (trong đó có 1 tàu vận tải Indonesia); chăm sóc cấp cứu, phát thuốc điều trị cho 246 ngư dân và 7 thuyền viên người nước ngoài. Trong số đó có 63 người phải cấp cứu điều trị, tiến hành vớt lên tàu bảo quản 5 thi thể nạn nhân đưa vào đất liền bàn giao cho địa phương và gia đình.

Với lính hải quân như Thượng úy-Y sĩ Nguyễn Duy Ánh, việc có mặt trên biển mỗi năm từ 5 đến 7 tháng là chuyện thường. Có khi, lênh đênh trên sóng nước gần tháng trời, tàu vừa cập bến, anh chỉ kịp tắm gội, mua vài thứ cần thiết là ra khơi ngay. Nhiều chiến sĩ trẻ, trong vài chuyến ra khơi đầu tiên say sóng không ăn ngủ được, có khi vừa ăn vào chưa ấm bụng đã nôn thốc nôn tháo lên boong tàu, mặt mày xanh xao. Chưa kể, những chuyến đi cứu nạn thường diễn ra trong thời tiết mưa bão, cơn say sóng càng kinh khủng hơn. Vất vả là thế, nhưng khi tiếp nhận bất kỳ ngư dân nào có vấn đề về sức khỏe, các chiến sĩ lại quên đi mệt nhọc để tích cực chăm sóc, điều trị bệnh nhân.

Thượng úy-Bác sĩ Hoàng Minh Phúc, Bệnh xá trưởng, Phòng Hậu cần Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân chia sẻ, một khi có lệnh xuất quân thì sóng to, gió lớn cấp 10, cấp 11 cũng phải lên đường. Lúc này, trong lòng mỗi người chiến sĩ quân y chỉ có một mục tiêu duy nhất là cứu người. "Đó không chỉ là trách nhiệm của người thầy thuốc, mà còn là mệnh lệnh từ trái tim người chiến sĩ, cùng chia sẻ khó khăn trên biển với những con người cùng chung mục đích giữ gìn vùng biển, đảo của tổ quốc", anh nhấn mạnh.

Kể về những người lính quân y của mình, Thượng tá-Thầy thuốc ưu tú Trần Xuân Vinh, Chủ nhiệm Quân y Vùng 3 Hải quân luôn dành cho họ nhiều lời cảm phục. Bởi, mỗi lần vượt bão biển để cứu người là một trận chiến khốc liệt mà người chiến sĩ phải vượt qua. Ở đó, người lính không chỉ chống cự lại sự khắc nghiệt của thiên nhiên, mà còn phải đủ sức khỏe để vượt qua nỗi sợ hãi của chính mình. Hơn 35 năm công tác trong quân đội, Trần Xuân Vinh đã đề xuất nhiều biện pháp nhằm khắc phục một phần hạn chế trong công tác khám, điều trị bệnh của người dân trên biển, đảo. Chẳng hạn, mỗi con tàu khi ra khơi cần trang bị cho mình một số túi cứu thương để sử dụng khi cần thiết. Còn với những ngư dân thường xuyên có mặt trên biển, thì những chiến sĩ quân y đã bao lần trở thành ân nhân, là điểm tựa giúp họ vững tâm, kiên cường bám biển…

TIỂU YẾN



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét