Chủ Nhật, 23 tháng 12, 2012

ĐH Đà Nẵng với Đề án Phát triển nguồn nhân lực thành phố


Bài 1: Những giải pháp tiêu biểu

Đề án Quy hoạch phát triển nhân lực thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2011-2020 (gọi tắt là Đề án) rất có ý nghĩa và đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng phát triển của các cơ sở đào tạo trong thời gian đến. Đại học ĐN (ĐHĐN) là ĐH vùng trọng điểm quốc gia, đa ngành, đa cấp đóng vai trò trọng yếu trong đào tạo đội ngũ nhân lực và nghiên cứu khoa học phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung. ĐHĐN được kỳ vọng đóng góp đáng kể vào sự thành công của Đề án.

Hiện nay ĐHĐN có 1.550 giảng viên (trên tổng số 2.150 cán bộ); mỗi năm tuyển mới khoảng 12.000 sinh viên hệ chính quy, hơn 10.000 sinh viên hệ vừa học vừa làm và từ xa; đang đào tạo cho 20 chuyên ngành ở bậc tiến sĩ, 30 chuyên ngành bậc thạc sĩ, 75 chuyên ngành bậc ĐH và 22 chuyên ngành bậc CĐ. Ngoài ra, mỗi năm ĐHĐN còn đào tạo khoảng 1.000 học sinh trình độ TCCN và 10.000 chứng chỉ các loại. Đội ngũ cán bộ tốt nghiệp từ ĐHĐN luôn được các đơn vị tiếp nhận đánh giá rất cao về chất lượng.

Trong những năm qua, ĐHĐN đã chủ động mở ngành và tăng qui mô đào tạo cho một số ngành nghề quan trọng ở bậc ĐH và sau ĐH. ĐHĐN cũng đã tiên phong trong việc mở các chuyên ngành mới để đón trước nhu cầu nguồn nhân lực. Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và sự thay đổi nhanh chóng của nhu cầu thực tiễn đã tạo ra các nhu cầu mới đa dạng hơn về ngành nghề, đồng thời yêu cầu về chất lượng ngày càng cao hơn. Điều này đòi hỏi ĐHĐN phải tiếp tục mở rộng các ngành nghề và quy mô đào tạo để có thể đáp ứng được nhu cầu về nguồn nhân lực.

Một số giải pháp tiêu biểu đã triển khai hiệu quả tại ĐHĐN để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời gian qua bao gồm:

- Đẩy mạnh hợp tác quốc tế để nâng tầm các chương trình đào tạo ngang với các tiêu chuẩn quốc tế. ĐHĐN đã triển khai nhiều chương trình quốc tế như 3 chương trình PFIEV hợp tác với các ĐH Pháp (tự động hóa, tin học công nghiệp, CNTT); 2 chương trình tiên tiến (hệ thống số với ĐH Washington và hệ thống nhúng với ĐH Portland của Mỹ); 1 chương trình với ĐH Nagaoka Nhật Bản (Kỹ thuật xây dựng); 10 chương trình liên thông (2+2, 3+1 với các ĐH hàng đầu của Úc, Anh, Mỹ; hàng chục chương trình đào tạo thạc sĩ liên kết với Anh, Pháp, Mỹ, Đài Loan… và hàng chục chương trình liên kết đào tạo tiến sĩ theo mô hình đồng hướng dẫn. Đặc biệt ĐH Đà Nẵng là một trong 6 đại học của Việt Nam tham gia chương trình Nâng cao chất lượng đào tạo ngành kỹ thuật đáp ứng yêu cầu công ty đa quốc gia HEEAP do USAID, Intel tài trợ cùng với các đối tác chính là Arizona State University và các công ty đa quốc gia khác.

- Đào tạo đội ngũ giảng viên giỏi là khâu đột phá quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Hiện nay, ĐHĐN đã có hơn 150 giảng viên tốt nghiệp thạc sĩ và tiến sĩ ở nước ngoài hiện có 320 cán bộ đang học tập, nghiên cứu ở nhiều nước trên thế giới, trong đó gần 50% là đào tạo tiến sĩ. Ngoài ra, mỗi năm ĐHĐN cử hàng trăm lượt cán bộ đi tham dự hội nghị/hội thảo, tham quan, nghiên cứu ở nước ngoài.

- Không người đổi mới, cải thiện cơ sở vật chất để phục vụ công tác đào tạo và nghiên cứu. Trung bình mỗi năm, ĐHĐN được đầu tư từ các dự án tăng cường năng lực nghiên cứu, dự án hỗ trợ của Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Nhà nước và các tổ chức khác hàng trăm tỷ đồng để cải tạo, xây mới hệ thống phòng học, phòng thí nghiệm và các trung tâm nghiên cứu. Hiện nay, ĐHĐN đã có các trung tâm nghiên cứu với trang thiết bị đạt chuẩn quốc tế như phòng thí nghiệm AVL, PFIEV, Cơ điện tử, Môi trường, Công nghệ Sinh học, Công nghệ vật liệu,…

- Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và đào tạo gắn với nhu cầu xã hội. Hoạt động nghiên cứu được quan tâm và trở thành hoạt động bắt buộc đối với mọi cán bộ giảng viên. Kết quả nghiên cứu sẽ được áp dụng vào thực tế sản xuất, đồng thời được lồng ghép vào bài giảng để nâng cao chất lượng giảng dạy. Mỗi năm ĐHĐN triển khai hàng trăm đề tài nghiên cứu khoa học, thực hiện nhiều hợp đồng sản xuất/chuyển giao với giá trị khoảng 20 tỷ đồng và công bố hơn 300 bài báo khoa học, trong đó có 1/4 trên các tạp chí uy tín và hội nghị khoa học quốc tế của thế giới.

- Tăng cường phân tầng trong công tác đào tạo. Để tạo ra các chương trình có chất lượng cao thì cần có đồng thời 4 yếu tố: người học giỏi (nguồn tuyển sinh vào phải có chất lượng cao), người dạy giỏi (đội ngũ cán bộ, giảng viên), môi trường học tập (không khí học thuật, tính thần sáng tạo, tính cạnh tranh, môi trường giao lưu, cơ sở vật chất phục vụ…) và một quy trình đào tạo đúng đắn (khung chương trình, phương pháp giảng dạy, đánh giá…). Trong điều kiện quy mô đào tạo quá lớn hiện nay thì không thể bảo đảm cả 4 yếu tố trên cho tất cả các chương trình đào tạo nên phải phân tầng để có những chương trình tốt nhất dành cho những sinh viên và những Thầy giáo giỏi nhất. Một số chương trình quốc tế tại ĐHĐN là ví dụ thành công cho mô hình phân tầng này.

(Còn nữa)

PGS.TS TRẦN VĂN NAM

Giám đốc Đại học Đà Nẵng
 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét