Chủ Nhật, 3 tháng 2, 2013

Nâng cao vai trò của tổ chức Công đoàn


Tôi tán thành nội dung cơ bản của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và đồng tình cao về bố cục, từ ngữ, nội dung điều chỉnh của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, nhất là dự thảo lần này làm rõ được vai trò và bản chất của Nhà nước.

Tôi xin đóng góp thêm vào Điều 10, Chương I cần phải tăng cường chức năng và quyền hạn của tổ chức Công đoàn Việt Nam. Không thể để cho cán bộ Công đoàn ăn lương của doanh nghiệp mà có thể đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ tốt quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động được. Tại Điều 49 có ghi "Công dân có nghĩa vụ chấp hành Hiến pháp và pháp luật, tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, chấp hành những quy tắc sinh hoạt công cộng", theo tôi nên bỏ từ "tham gia" mà thay vào đó từ "nghĩa vụ", như vậy sẽ rõ ràng và công dân sẽ thấy rõ được vai trò và trách nhiệm của bản thân mình hơn.

Ở khoản 1, Điều 54, nên thêm cụm từ "trong từng giai đoạn lịch sử nhất định" vào cuối câu "Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế (trong từng giai đoạn lịch sử nhất định)". Cũng tại Điều 54, ở khoản 2, nên bỏ cụm từ "là bộ phận cấu thành" vì cụm từ này không cần thiết. Trong Chương VII, tại Điều 106, nên bỏ từ "mời" trong câu "Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và người đứng đầu tổ chức chính trị-xã hội được mời tham dự phiên họp của Chính phủ khi bàn các vấn đề có liên quan".

Ông Nguyễn Ngọc Tuyển, tổ 55, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu.

VĂN NỞ  ghi



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét