Thứ Sáu, 1 tháng 2, 2013

Hàng rong chợ Cồn


Đã trở thành mạch sống của hàng trăm con người lao động nghèo khó, sự tồn tại của chợ hàng rong thuộc chợ Cồn gần như là một lẽ tất nhiên mà người ta không còn mấy quan tâm đến sự khai sinh của nó nữa. Bắt đầu từ 16 giờ và dọn dẹp khi phố đã lên đèn, chợ hàng rong trên hai tuyến đường nội bộ Hùng Vương – Ông Ích Khiêm có một nhịp sống náo nhiệt và sinh động mà không nơi nào có được.

Ai lang thang trong chợ hàng rong buổi chiều không thể không thử ghé một hàng ăn.
Ai lang thang trong chợ hàng rong buổi chiều không thể không thử ghé một hàng ăn.

Nhộn nhịp chen chân

Những người được xem là "lão làng" ở chợ hàng rong này cũng chỉ nhớ mang máng: "Tui buôn ở khu này từ trước năm 1975, mà hình như nó hình thành từ trước đó nữa". Thôi thì, coi như tuổi đời của chợ hàng rong cũng suýt soát với người mẹ của mình – là chợ Cồn đã khai sinh từ thập niên 1940.

Chính từ đó, bao nhiêu năm qua, chợ đã nuôi sống bao nhiêu cảnh đời. Cùng sự sầm uất của chợ Cồn, hàng trăm người đã bám trụ chợ hàng rong cả mấy chục năm nay. Cứ đi một vòng quanh hai đường nội bộ, ghé vào ăn chén chè, dĩa khô bò, hay con mực nướng, lân la hỏi chuyện mấy bà, mấy cô, sẽ thấy, ai cũng đã ngồi đây ít nhất là 20 năm. Gái Em, một chị bán chè chưa ngoài bốn mươi, mà đã lăn lộn trong không gian này tới phân nửa quãng đời. Bà Lịnh bán bánh bèo, bánh ướt vào hàng ngon nhất Đà Nẵng cũng có thâm niên 30 năm. Rồi bà Lê Thị Tức, nay là chủ một sạp áo quần, người đi đầu trong công tác từ thiện tại chợ, vốn xuất thân từ những gánh hàng rong cơ cực từ ngót nghét 40 năm trước.

Thiệt là lạ, từ xưa tới nay, trong trí nhớ của các bà, các cô, lịch sử qua bao thăng trầm, kinh tế có lúc suy lúc thịnh, ở đâu ế ẩm không biết, chứ chợ hàng rong này vẫn đắt như tôm tươi. Nếu chịu khó lòng vòng, những chị em ngồi trong quầy sạp sẽ thấy phát thèm với lượng khách khổng lồ của chợ hàng rong: ước tính cứ mỗi hàng có trung bình 10 người khách/lượt, lượt này đi chưa kịp, lượt khác đã kéo tới, đòng đòng mãi cho tới khoảng 19 giờ.

Theo ông Nguyễn Thu, Phó trưởng Ban quản lý (BQL) chợ Cồn, có năm, vì lý do an toàn cho phòng chống cháy nổ, BQL phải cấm họp chợ. Những ngày đó, chợ chiều buồn thiu, vắng người qua lại. Được ít lâu, theo yêu cầu của thành phố, chợ lại tiếp tục hoạt động, trả lại sinh khí cho những buổi chiều Đà thành vốn đã quen với sự tồn tại của những gánh hàng rong. Vậy là, chợ chiều vẫn họp, nhưng không được che chắn không gian, không đóng quầy cố định để sẵn sàng dọn chỗ khi chợ có sự cố, và chợ lại tiếp tục đón khách.

Sức hấp dẫn khó cưỡng

Tôi thích những buổi chiều xong công việc ở cơ quan, lang thang cùng ai đó, hoặc một mình trong những buổi chợ chiều như thế này. Âm vọng của một cuộc sống chân thực và sinh động cứ đầy lên. Đi giữa dòng người đông đúc đó để nghe tiếng rao ngồ ngộ của những hàng đồ bành, nghe lời mời mọc chân chất của bà bán bánh canh, sao thấy lòng mình phơi phới. Một cuộc sống tấp nập, sôi động và bình dân. Có thể nói, hầu hết các món ẩm thực được mấy "ông" chuyên gia đưa vào hàng đặc sản của Đà Nẵng đều có ở đây, từ mì Quảng, bún thịt nướng, đến bánh canh, bánh lọc… Đã bước vào thế giới sống động đó, không ai không thử ghé một hàng ăn, hay bước vào lựa đồ bành xôm tụ. Ai có vững lòng tới mấy cũng không thể cưỡng lại mùi ốc sả xông lên phưng phức, hay mùi mực nướng cứ phe phẩy trong không gian đến nao lòng…

 Xa xa kia là cả chục gian đồ bành với đủ loại áo quần theo mùa. Áo len, áo dạ, thắt lưng, giày dép… chỉ có giá phổ biến 10.000 – 15.000 đồng/cái. Lựa đã thì mua, không thích thì cứ bỏ xuống rồi quay đi, chẳng có ai phiền trách hay khó chịu. Chính vì lẽ đó mà đồ bành ngày càng hút khách. Đi chán, người ta ngồi kéo ghế ăn hàng. Ăn xong, lại đứng lên dạo tiếp. Thể nào sau chuyến chợ, cũng lựa được món ưng ý.

Ông Nguyễn Thu nói rằng, trước Tết chừng mươi, mười lăm ngày, BQL thường cho phép bà con dọn hàng trước giờ quy định hằng ngày khoảng 1 – 2 tiếng, tạo cơ hội cho dân lao động làm ăn cuối năm. Và chợ sẽ đông mãi đến tận chiều 30 Tết, để họ tranh thủ kiếm "cơm" cho một cái Tết an lành bên gia đình, không phải quá lo lắng vì thiếu hụt trước sau…

HẰNG VANG



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét