Chủ Nhật, 3 tháng 2, 2013

Bớt lòng ham muốn vật chất


Trong tập bài giảng về Tư cách người cách mạng dùng để đào luyện cán bộ cho cách mạng Việt Nam những năm đầu thế kỷ trước, Nguyễn Ái Quốc đã đưa ra 21 phẩm chất người cách mạng, trong đó, "Bớt lòng ham muốn về vật chất" được Người coi là một trong những phẩm chất của người cách mạng.

Bác Hồ với các cháu thiếu nhi vùng cao Việt Bắc (1960).       Ảnh tư liệu
Bác Hồ với các cháu thiếu nhi vùng cao Việt Bắc (1960). Ảnh tư liệu

Vì sao người cách mạng lại phải bớt lòng ham muốn về vật chất ? Ham muốn về vật chất thì có gì là xấu? Sống ở trên đời, lao động, làm việc, thậm chí hy sinh…, suy cho cùng cũng là để thỏa mãn một ham muốn nào đó chứ.

Ham muốn không có gì là xấu. Ham muốn của cải vật chất và cuộc sống đầy đủ tiện nghi là lẽ thường của đời người, còn có thể là động lực thúc đẩy tính tích cực xã hội. Nếu có ham muốn được cống hiến, được dâng tặng, hay ham muốn làm phong phú đời sống tinh thần cho mình và cho mọi người… thì chẳng những không xấu mà lại còn được tôn vinh. Khi trả lời một phóng viên nước ngoài, Bác chẳng đã nói: "Suốt đời tôi, tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm cho đồng bào tôi ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành" đó sao.

Đó là ham muốn tích cực, nhiều người ham muốn như thế làm cho xã hội phát triển. Nhưng nếu ham muốn quá mức, và nhất là, chỉ là ham muốn về vật chất cho mình, thì lại là không tốt. Khi ham muốn được sở hữu những giá trị cao hơn khả năng do mình tạo ra thì sự ham muốn ấy thúc đẩy hình thành các thủ đoạn hòng chiếm đoạt được nhiều giá trị, nhiều của cải của người khác hoặc của chung. Sự ham muốn chỉ có ý nghĩa tích cực khi nó thúc đẩy mỗi người không chỉ làm giàu cho mình mà còn cho xã hội, và trở nên tội lỗi khi nó biến con người thành những kẻ vì lợi ích riêng của mình mà làm tổn hại đến người khác, tổn hại cho xã hội. Lòng tham khiến con người ngày càng ích kỷ, lạnh lùng, và tàn nhẫn hơn. Chính lòng tham làm băng hoại nhân cách và đạo đức con người, đẩy xã hội đến chỗ suy đồi. Bởi vậy, với sự trải nghiệm của một nhà cách mạng từng bôn ba khắp chân trời góc bể, trải qua nhiều năm tháng trong xã hội tiêu dùng phương Tây, nhìn "ham muốn" dưới hai mặt tích cực – tiêu cực, Nguyễn Ái Quốc đã khuyên người cách mạng phải "bớt lòng ham muốn về vật chất".

Chân lý thật là giản dị. Khi đã dấn thân vào con đường cách mạng, người cộng sản phải biết hy sinh. Nhưng Nguyễn Ái Quốc không duy lý đến mức đòi hỏi người làm cách mạng phải hy sinh tất cả những "ham muốn" (về vật chất) của mình. Bác chỉ khuyên và yêu cầu người cách mạng phải "bớt lòng ham muốn về vật chất". Chỉ "bớt" mà sao khó thực hiện đến thế. Nhất là những "quan cách mạng", trong tay sẵn có quyền lực thì càng khó mà "bớt lòng ham muốn".

Trong xã hội ta hiện nay, có một bộ phận không nhỏ những người không chỉ ham muốn mà còn thần tượng hóa, tuyệt đối hóa những giá trị vật chất, sẵn sàng làm mọi việc, kể cả thực hiện những hành vi tội ác để thỏa mãn những ham muốn vật chất của mình. Xã hội bước vào kinh tế thị trường chưa được bao lâu (và thật sự cũng chưa có kinh tế thị trường đầy đủ), nhưng lối sống thực dụng, coi đồng tiền và các tiện nghi vật chất là tiên, là phật đã lên ngôi. Từ bao giờ đã xuất hiện một lớp nhà giàu mới nổi, sống xa hoa, hưởng lạc, sùng bái tiện nghi vật chất, hợm hĩnh, khoe của, hãnh tiến nhưng tâm hồn trống rỗng, lố bịch trong ứng xử văn hóa…

Trong số đó, không ít kẻ là "quan tham", giàu lên nhờ đục khoét, lợi dụng của chung, trong khi đại bộ phận nhân dân, tác giả của Đổi mới thì lam lũ và cơ cực. Tham nhũng làm băng hoại đạo đức xã hội. Một bộ phận trong giới trẻ khi đã mất lòng tin vào những điều tốt đẹp, lại bị kích động bởi lối sống bạo lực được phổ biến đầy rẫy trên các phương tiện thông tin và phim ảnh, đã tìm mọi thủ đoạn, cố chiếm giữ những tiện nghi mà không sợ phạm vào những quy tắc đạo đức, hay tội ác tày trời nào. Trong xã hội dường như đang có một cuộc chạy đua khốc liệt hướng đến tiện nghi vật chất. Nhiều người trở nên mê muội, bị cuốn xoáy đi trong cơn lốc thị trường, không còn làm chủ được mình. Tiêu cực, bất công, chạy chức, chạy quyền, mua danh, bán bằng cấp, đâm thuê chém mướn và các kiểu tội ác khác… thừa cơ phát triển. Hố ngăn cách giàu nghèo ngày một rộng và sâu thêm.

Nhân loại thời nào và ở đâu cũng có những cái xấu và tội ác, nhưng điều đáng nói hiện nay tội ác và những thứ xấu xa ấy gia tăng đến mức làm cho lòng người bất an; người lương thiện cảm thấy như không được chở che, bảo vệ. Có người nói, chiến tranh đã lùi xa, hòa bình đã mấy chục năm nhưng đất nước vẫn chưa thái bình. Thời chiến tranh, bom đạn gầm rú, chết chóc hy sinh mà lòng người bình yên, vững tin! Không thể đổ tội cho cơ chế thị trường. Biểu dương, tôn vinh những người vì xã hội, vì cộng đồng là cần thiết. Nhưng trên hết, cần nghiêm túc học lại bài học mà Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã dạy từ gần một trăm năm trước. Và không chỉ dạy cho người khác, Hồ Chí Minh đã thực hành bằng cả đời mình. Người đã nghiêm cẩn tiết chế những ham muốn vật chất, sống thanh bạch, gần gũi thiên nhiên, xa lạ với "lầu son gác tía". Ngay cả khi có quyền lực trong tay, mà không phải là quyền lực thông thường – quyền lực của người đứng đầu Đảng cầm quyền, đứng đầu Nhà nước – Người vẫn thế, giản dị, mộc mạc đến thô sơ đối với những nhu cầu vật chất cho riêng mình. Hồ Chí Minh thể hiện sự nhất quán đến lạ lùng về những ham muốn cho mình và cho dân tộc mình. Khi rời khỏi chính trường, Người chỉ mong muốn "làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh, nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi".

Có một học giả phương Tây viết: "Ở đâu có quyền lực, ở đó có tha hóa. Quyền lực tuyệt đối thì tha hóa tuyệt đối". Vượt qua được sự tha hóa đó phải có dũng khí của một nhân cách văn hóa cao cả. Hãy nhìn Hồ Chí Minh để học lại bài học này. Cốt cách và cuộc sống của Hồ Chí Minh là một phản biện sống động, củng cố nhận thức: không phải cứ có quyền lực là có tha hóa. Hồ Chí Minh là một minh chứng đầy thuyết phục về sự kiểm soát quyền lực, chế ngự ham muốn quyền lực. Điều này giúp xua bớt đi bóng đen của tham nhũng đang trĩu nặng lên đời sống tinh thần của xã hội và cũng gợi lên niềm tin có thể kiềm chế được tham nhũng, nếu nghiêm cẩn thực hiện những chỉ dẫn của Người, vận hành bằng được đạo đức Hồ Chí Minh trong xã hội – một triết lý nhân sinh không có chỗ cho dục vọng và những ham muốn thấp hèn.

Đằng sau ham muốn của con người là sự mong mỏi được hạnh phúc. Về phương diện này, quả thực mọi người đều bình đẳng, vì ai cũng muốn được hạnh phúc, mặc dù có thể mỗi người định nghĩa hạnh phúc theo cách khác nhau. Tuy nhiên, hãy luôn nhớ rằng "Chết trong sự giàu có là một cái chết đáng hổ thẹn".

VÕ CÔNG TRÍ



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét