Chủ Nhật, 3 tháng 2, 2013

Đà Nẵng




Hà Nội, chiều cuối năm se lạnh nhưng đủ cho những vườn đào chúm chím nụ để dăm hôm nữa nở rộ chào đón một năm mới, chúng tôi gặp ông Nguyễn Đức Hạt (ảnh), nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương tại nhà riêng ở Hà Nội. Ông tiếp chúng tôi trong cái tình ấm áp của người cùng quê – như ông nói: Xứ Quảng quê ta có nhiều điều thú vị, xưa thế mà nay vẫn vậy, luôn đối mặt và cũng luôn biết cách vượt qua những khó khăn, thách thức để tự khẳng định mình trên hành trình đi tới bất luận cơ man lấn bấn cứ trĩu nặng trên vai.

* Dưới cách nhìn nhận riêng mình, Đà Nẵng hôm nay có điều gì khiến ông thích thú?

- Là người con quê hương, nhất là khi sống xa nhà với sự đổi thay nhanh chóng của quê mình, tôi không chỉ thích thú mà cả niềm vui xen lẫn lòng tự hào. Chỉ mới hơn 15 năm kể từ ngày trực thuộc Trung ương, thời gian chưa phải là nhiều so với bề dày lịch sử của mình nhưng Đà Nẵng đã vươn lên mạnh mẽ, đổi thay toàn diện… Ngược lại thời gian, vào quãng năm 1994 có một nhà thơ viết về Đà Nẵng, đọc mà thấy buồn.

* Ông còn nhớ bài thơ ấy không?

- Không đầy đủ, chính xác lắm, chỉ nhớ mấy dòng, trong đó có câu: "Đèn phố sông Hàn tù mù màu nước lũ". Bây giờ như các anh biết đấy, hai bên bờ sông Hàn, trên những cao ốc hay trên những chiếc cầu mới bắc qua sông đèn điện đủ màu rực rỡ soi xuống dòng sông lấp lánh như sao rơi. Nhớ lại, cũng mùa xuân, dịp Tết Nguyên đán cách đây hơn 10 năm khi tôi đang là Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, trong buổi tiếp đồng bào là người Đà Nẵng về thăm quê có vị đại đức sống ở Nepal nói lên cảm nhận của mình: Tôi là người Đà Nẵng chính cống, sinh ra và lớn lên ở thành phố này, hồi nhỏ tôi học ở Trường Phan Châu Trinh, tôi thuộc mọi nẻo đường, ngóc ngách của thành phố như thuộc lòng bàn tay, vậy mà lần này về thăm chính tôi lại đi lạc giữa thành phố. Thành phố có nhiều đổi thay đến bất ngờ. Nhớ lại câu chuyện này tôi chợt nghĩ không phải xa lâu như vị tu sĩ này mà chỉ xa vài ba năm mới về thăm thành phố ai cũng phải ngạc nhiên trước bao đổi thay ở đây.

Có sự đổi thay đáng mừng ấy, theo tôi, đó là kết quả của đường lối đổi mới đúng đắn, toàn diện, ngày càng đi vào chiều sâu của Đảng, Nhà nước; là sự quan tâm thường xuyên, có hiệu quả của Trung ương; sự chia sẻ, thông cảm, ủng hộ nhiệt tình của các tỉnh, thành trong cả nước, nhưng trực tiếp nhất vẫn là do lãnh đạo và nhân dân Đà Nẵng biết tự làm mới mình. Người Đà Nẵng mà tự đánh giá mình là thiếu khách quan chăng? Đã có nhiều nhận xét, đánh giá thẩm định không phải của người Đà Nẵng, nhiều bài báo trong và ngoài nước viết về Đà Nẵng rằng: Đà Nẵng nhiều năm liền có chỉ số  năng lực cạnh tranh cao nhất nước; Đà Nẵng là một trong các thành phố có khí thải CO2 thấp nhất; Đà Nẵng có bãi biển quyến rũ nhất, Đà Nẵng 4 năm liên tiếp dẫn đầu chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-Truyền thông khối các tỉnh, thành phố… Tôi không muốn nhắc lại, nói nhiều về những điều người ta khen về quê mình, vì từ chiều sâu tâm thức, tôi hiểu rằng một khi người Đà Nẵng đón nhận những đánh giá tốt đẹp về mình thì cũng phải nhận thức được rằng khó khăn thách thức trước mắt còn lớn hơn nhiều, đòi hỏi chúng ta cần phải nỗ lực hơn nữa, không được thỏa mãn, càng không được phép dừng lại mà phải liên tục đi tới, luôn vững bước đi lên, tiếp tục làm mới mình hơn nữa. Nếu dừng lại không những mất niềm tin mà còn mất cơ hội. Khó thay mọi sự cố gắng đều không có điểm dừng.

* Thưa ông, ông vừa nói đến cơ hội, vậy cơ hội trong tương lai đối với Đà Nẵng là gì?

- Thực ra chúng ta không chờ đến tương lai mà hiện tại đang có nhiều cơ hội để vươn lên xây dựng Đà Nẵng thành một trong những thành phố tiêu biểu của cả nước, của khu vực và trên thế giới. Giờ đây chẳng còn gì bàn cãi, chúng ta có nhiều thuận lợi trong xây dựng phát triển thành phố. Khách du lịch trong và ngoài nước đến Đà Nẵng ngày càng nhiều, đời sống của người dân được cải thiện, nâng cao. Một khi người dân cả nước biết đến một Đà Nẵng đồng thuận, năng động, sáng tạo, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội bảo đảm; một khi bạn bè quốc tế chọn Đà Nẵng như một thành phố đáng sống thì chúng ta sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi hơn nữa để phát triển mạnh mẽ trong tương lai, kể cả thu hút vốn đầu tư và chất xám. Vấn đề còn lại chúng ta phải đón lấy cơ hội ấy ra sao để chuyển hóa thành một nguồn lực to lớn. Trong một chừng mực nào đó, thương hiệu Đà Nẵng đang là tiềm lực, đang có giá trị trên hai phương diện vật chất và tinh thần, có sức hấp dẫn cao.

* Theo ông, đâu là thách thức lớn nhất của Đà Nẵng hiện nay?

- Phải thừa nhận là còn rất nhiều thách thức, như giải quyết việc làm, tiếp tục xóa nghèo bền vững, nâng mức sống của hộ nghèo lên mức sống trung bình của thành phố, bảo đảm an sinh xã hội, nhất là những vùng được coi là còn nhiều khó khăn, nhưng theo tôi thách lớn nhất của chúng ta là nguồn nhân lực cho tương lai.

Trên thế giới cũng như trong nước, nguồn tài nguyên giàu có rất quan trọng cho sự phát triển, nhưng giờ đây nó không còn là sức mạnh chính. Sự cạnh tranh để vươn tới với thiên hạ, sức mạnh của sự cạnh tranh chính là ở trí tuệ mà người ta thường gọi là chất xám. Nhiều nước trên thế giới tuy tài nguyên không giàu có, thậm chí là nước nghèo về tài nguyên nhưng lại phát triển nhanh, bền vững do biết đầu tư và khai thác có hiệu quả chất xám.

Trong tương lai khi Đà Nẵng phát triển hơn nữa càng đòi hỏi phải có nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là các nhà quản lý giỏi, các nhà sản xuất kinh doanh tài ba, đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật hùng hậu, trong đó có những chuyên gia đầu ngành và đội ngũ công nhân lành nghề đóng vị trí trung tâm cho sự phát triển. Chúng ta mong muốn có một nguồn lực chất xám chảy vào Đà Nẵng bằng việc đưa ra nhiều chính sách ưu đãi về vật chất, đó là điều cần thiết. Nhưng thiết nghĩ cùng với những ưu đãi đó, vấn đề quan trọng hơn là tạo điều kiện, môi trường thuận lợi, thân thiện để họ ngày càng phát huy tốt năng lực, trình độ chuyên môn của mình, không ngừng phát triển tài năng, được cống hiến cho xã hội.

Nếu nhìn về tương lai xa hơn, ngay từ bây giờ chúng ta phải đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho việc xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cao trên nhiều phương diện. Là người Đà Nẵng, không ai không mơ ước trong tương lai không xa Đà Nẵng sẽ trở thành một thành phố tươi mới, năng động hơn nữa, sánh vai cùng các thành phố văn minh hiện đại trong khu vực và thế giới. Điều đó chỉ có thể thực hiện được khi Đà Nẵng có đội ngũ cán bộ đủ mạnh, am hiểu và biết cách hội nhập sâu vào kinh tế quốc tế, nắm vững công nghệ hiện đại, phát huy được mọi tiềm năng và lợi thế của thành phố. Trong đó, cán bộ chủ chốt các cấp phải không ngừng đổi mới tư duy, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, không sợ mắc khuyết điểm, như Hồ Chủ tịch sinh thời từng dạy rằng: Có khuyết điểm không sợ, điều đáng sợ là không nhận ra và không sửa chữa khuyết điểm. Rõ ràng thách thức lớn nhất không gì khác, chính là nguồn nhân lực cho tương lai nếu chúng ta muốn đi nhanh hơn, bền vững hơn, biết rằng thời gian không chờ đợi. Trong suy nghĩ như vậy, tôi chợt nhớ đến nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Ông thật có lý khi sáng tác một bài hát về đất Quảng, trong đó có thành phố Đà Nẵng với ca từ trong đoạn của ca khúc này là: Đất Quảng quê mình vươn tới vượt thời gian.

* Xin cảm ơn ông.

HỒ PHÚ HỘI thực hiện



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét